Mỗi vùng miền ở nước ta có các cách chế biến thị lợn chua khác nhau, và bài viết sẽ giới thiệu cho các bán một số sản phẩm thịt lợn chua. Từ thịt lợn và các loại gia vị quen thuộc, người dân ở Phú Thọ, Hòa Bình và Quảng Nam đã chế biến ra món thịt lợn chua hấp dẫn khách bốn phương.
Thịt chua là một trong những đặc sản trứ danh của vùng đất Thanh Sơn, Phú Thọ. Đặc trưng của món thịt chua này là sử dụng thịt lợn lửng tươi sống, ướp trong thính gạo để chín tự nhiên nên có hương vị chua dịu thơm ngon.
Do được chăn thả tự nhiên và nuôi lớn hoàn toàn bởi những sản vật của núi rừng như củ quả, rau măng nên thịt lợn lửng rất chắc, thơm ngon và ngọt thịt. Trong cả con, phần thịt áp mông, áp vai sẽ được chọn để làm chua. Trước khi thái thành các lát mỏng, thịt được để nguyên miếng rồi nướng qua cho se các mặt cắt. Sau đó thịt được ướp chút muối gia vị, rồi trộn đều với thính (bột gạo, bột ngô và bột đậu xanh rang vàng) sao cho bám đều các mặt các miếng thịt.
Lúc này, những ống nứa tươi sau khi rửa sạch, để khô và lót lá ổi xuống dưới đã được chuẩn bị sẵn để cho thịt đã ướp thính vào. Sau khi đậy lại bằng lá ổi, ống nứa được úp trên những dòng suối trong lành để 2-3 ngày sẽ lên men, dậy hương thơm đặc trưng của núi rừng, non nước.
Thịt chua Phú Thọ thường ăn kèm với bánh tráng, lá sung, lá ổi, lá đinh lăng... và chấm cùng tương ớt hạt tiêu. Với cách chế biến đơn giản và ngon hơn khi nhấp thêm chút rượu nồng, nên thịt chua rất được ưa chuộng trên bàn nhậu và mua về làm quà mỗi khi đặt chân lên đất Tổ.
Thịt lợn muối chua Hòa Bình
Nổi tiếng không kém đặc sản thịt chua Phú Thọ là món thịt lợn muối chua của người Mường ở Hòa Bình, thường được dùng trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi và tiếp đãi khách quý đến chơi nhà.
|
thịt lợn chua |
Ấn tượng ban đầu với bất kỳ ai khi lần đầu thưởng thức thịt lợn muối chua là rổ lá đi kèm, đòi hỏi người ăn phải dùng tay cuộn lá với thịt để cảm nhận vị ngon hòa quyện. Tuy nhiên, khi đã nếm thử người ta dễ dàng nhận ra hương vị rất riêng của miếng thịt chua hòa trong vị lá.
Thịt chua của người dân Hòa Bình được làm từ thịt ba chỉ của những con lợn choai, thả rông dài ngày. Sau khi thái miếng, thịt được ướp với muối và riềng khô giã nhỏ, rồi trộn với rượu nếp cái và men lá rừng giã nhỏ sao cho thật ngấm. Nhưng món thịt chua sẽ không hoàn nếu thiếu thính, được làm từ gạo rang khô rồi giã nhỏ.
Thay vì ống tre, ống nứa, một chiếc bồ lót lá chuối được sử dụng để ủ thịt chua. Cứ một lớp gạo rang giã dập trộn muối, lại đến một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên cho đến khi đầy bồ, rồi nén lại đem gác lên bếp củi đun ủ một đến hai tuần. Điểm khác biệt của món đặc sản này là ngoài vị chua lên men tự nhiên, vị thơm ngọt của thính và thịt, còn có vị bùi ngậy của bì. Thịt chua lại còn được ăn kèm với lá mít và trầu không tạo nên vị chua ngọt hòa lẫn mặn ăn rất lạ miệng.
Zrúa - thịt lợn muối chua ở Quảng Nam
Đây là món ăn dân dã của người Cơ Tu sinh sống lâu đời trên dãy Trường Sơn. Cũng như món thịt lợn muối chua ở Hòa Bình, zrúa là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết của đồng bào Cơ Tu cũng như đãi họ hàng, khách quý. Trước khi thịt được muối chua trong hũ hoặc ché, người dân Cơ Tu thường phơi khô, giã nhỏ các loại gia vị như quế, tiêu rừng (amất), riềng núi (prí), muối.
Điều đặc biệt trong cách làm món zrúa của người Cơ Tu là dùng cơm hoặc thính bắp để lên men cho thịt. Do đó, khi ủ, mỗi lớp thịt người dân nơi đây lại rải một lớp thính hoặc cơm tẻ rồi gác trên giàn bếp khoảng 7 - 10 ngày.
Sau khi hoàn tất, phần thịt có màu hồng rất đẹp, để lâu không bị đổi màu, có thể ăn ngay hoặc chế biến theo sở thích. Người Cơ Tu thích ăn món zrúa nướng, kèm với những loại rau rừng. Cũng vị chua lên men rất dễ ăn, zrúa còn đặc biệt hấp dẫn với vị cay của ớt và riềng và vị thơm của quế. Nếu một lần được nếm thử, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được vị chua ngon không thể hòa lẫn của đặc sản núi rừng Trường Sơn.
Hotline: 0932765986
Địa chỉ: Số 36, ngõ 3, phố Phạm Tuấn Tài, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, HN